Bối rối với chồng là “con cưng của mẹ”

Một ông chồng là “con cưng của mẹ” có thể sẽ yêu mẹ hơn tất thảy mọi thứ trên đời, chăm chăm lo lắng cho bố mẹ anh ấy, vợ con chỉ là thứ yếu.
Bối rối với chồng là “con cưng của mẹ” 1
“Bố mẹ chồng lúc nào cũng gọi chúng tôi về”
Nếu lấy phải người thế này, các cô vợ cần vừa kiên quyết vừa hết sức khéo léo.
Nếu đã ở riêng, một điều khuyên bạn là nên cố gắng gặp bố mẹ chồng... càng ít càng tốt, như vậy các cụ ít có cơ hội phê bình bạn hơn. Một anh chàng con cưng của mẹ khi đi lấy vợ, mẹ anh ấy sẽ xót con tới nỗi sẵn sàng đổ lỗi “không chăm sóc chồng chu đáo” cho con dâu khi con trai bà sút đi có... vài lạng. Cho nên, để dĩ hòa vi quý, bạn không nên xuất hiện nhiều làm gì. Lý do tốt nhất cho sự thoái thác này là bận công việc. Lý do ấy chứng tỏ bạn còn có việc khác phải làm hơn là chỉ cung phụng chồng.
Thêm vào đó, nếu chồng bạn là người thích thường xuyên ghé thăm bố mẹ thì lý do này là khá hợp lý do tính bất khả kháng của nó: “em không thể đi được vì bận công việc chứ không phải là thiếu thành ý đâu”.
Bạn cũng có thể rõ ràng trước với chồng là, dù bận rộn không tới được, nhưng em sẽ gọi điện để thăm hỏi bố mẹ. Một điều nữa nên nhớ: Nếu bạn đối đãi với bố mẹ chồng mình thế nào, bố mẹ đẻ cũng phải y như vậy.
“Bố mẹ hay trông chờ tiền bạc từ vợ chồng con trai”
Nếu chồng bạn muốn gửi tiền cho bố mẹ, đừng phản đối anh ấy. Một mặt nào đó, đấy là việc hiếu nên làm. Bạn ngăn cản chỉ khiến chồng hiểu sai rằng bạn là người ích kỷ. Cách tốt nhất là cùng giải quyết việc này với chồng, để anh ấy không “áo gấm đi đêm”.
Trước hết hãy cùng lập ngân sách cho gia đình, bao gồm đầu tư cho con cái ăn - học, khoản chi các hóa đơn, chi phí cho các nhu yếu phẩm. Hãy cho anh ấy hiểu rằng, đây là khoản không thể động tới được, khoản tiền gửi biếu ông bà nội bọn trẻ phải là khoản nằm ngoài.
Một điều nữa cần lưu ý, gửi cho các cụ 1 khoản cố định mỗi tháng hay chuyển khoản sẽ rõ ràng hơn, nếu chồng bạn cứ đưa tiền “lắt nhắt”, thì khoản cộng lại cuối cùng nhiều khi sẽ lớn đến không tưởng tượng nổi.
“Anh ấy nói yêu vợ, nhưng yêu bố mẹ mình nhiều hơn”
Rõ ràng là anh ấy yêu bạn theo cách riêng, nhưng nếu anh ấy đặt bố mẹ lên trên hết, trên cả bạn, thì thực sự không ổn.
Anh ấy yêu và tôn trọng bố mẹ mình là đúng. Nhưng không cần bàn cãi, bạn mới nên là người được đặt lên ưu tiên hàng đầu.
Bạn không thể bắt anh ấy phải đặt vợ lên hàng đầu, nhưng bạn biết không, càng hy sinh cho bố mẹ chồng, bạn càng củng cố niềm tin của chồng rằng bố mẹ anh ấy mới là tối quan trọng. Vì thế, hãy tự khẳng định giá trị bản thân và những quyền ưu tiên của bạn.

GiadinhToday - Dân trí

Mẹ khôn biết dạy con tiêu tiền sớm

Trẻ dễ có cơ hội thành công nếu được cha mẹ dạy cách tiết kiệm và quản lý tiền sớm.


Mẹ khôn biết dạy con tiêu tiền sớm 1
Trẻ dễ có cơ hội thành công nếu được cha mẹ dạy cách tiết kiệm và quản lý tiền sớm. (Ảnh minh họa).
Phụ huynh thường không muốn cho con "dính líu" đến đồng tiền quá sớm, vì thế, họ đã đưa ra rất nhiều phương thức để dạy con biết cách tiết kiệm và quản lý tiền ngay từ khi còn nhỏ, việc làm này sẽ giúp trẻ có ý thức hơn về tài chính.
Trẻ em thời hiện đại có rất nhiều điểm khác biệt so với những đứa trẻ trước đây. Các bé đã có cơ hội, điều kiện để tiếp cận với công nghệ từ rất sớm. Một em bé hai tuổi có thể tự bật ti vi và lựa chọn kênh hoạt hình mà mình yêu thích.
Nhiều trẻ nhỏ còn biết sử dụng máy tính, điện thoại rất thành thạo. Chúng có thể lướt web, chơi game và còn làm được nhiều điều hơn thế nữa. Với tất cả sức hấp dẫn của thế giới xung quanh như vậy, điều quan trọng là bạn hãy dạy trẻ cách tiết kiệm và quản lý tiền tương tự như thực hiện một trò chơi vui vẻ nào đó.
Và nên nhớ, nên thực hiện điều này ngay từ sớm để giúp trẻ khi lớn lên sẽ đưa ra các quyết định đúng đắn hơn về chi tiêu tiền bạc.  
Tiết kiệm tiền bằng lợn đất
Nhiều bậc phụ huynh bắt đầu theo cách truyền thống với phương pháp là tặng cho bé một chú lợn đất và việc phải làm của bé là… đút tiền vào lợn hàng ngày. Hãy bắt đầu bằng việc cho con một hoặc hai tờ tiền với mệnh giá nhỏ hàng ngày và để chúng cảm thấy thực sự vui mừng khi đã bỏ đầy được chú lợn đất.
Một cách thú vị khác để tiết kiệm các đồng tiền này là dùng những chú lợn đất hình dáng khác nhau để cho những mệnh giá tiền không giống nhau vào đấy. Và bạn hãy cùng bé theo dõi xem chú lợn nào nhanh đầy tiền nhất.
Khi chú lợn đất đã đầy tiền, bạn hãy đếm tiền cùng với con bạn. Đặc biệt, bạn nên dành thời gian để thực hiện điều này một cách vui vẻ, thú vị nhất. Bạn có thể đếm các đồng tiền có cùng mệnh giá, xắp sếp thành các hàng khác nhau và xem có bao nhiêu đồng tiền loại 2 ngàn, 5 ngàn, 10 ngàn…
Khi đứa trẻ hiểu được chúng đã tiết kiệm hoặc thu thập được bao nhiêu đồng tiền, bạn hãy đưa chúng đi mua sắm và dạy chúng cách chọn món hàng phù hợp với số tiền mà chúng khó khăn mới có được. Tiếp theo, bạn nên dạy bé hiểu được giá trị món hàng chúng định mua hoặc số tiền phải trả trong tổng số tiền mà chúng có. Đặc biệt, bạn nên khích lệ trẻ chỉ tiêu một nửa số tiền tiết kiệm và để dành cho lần mua sắm khác.
Mở tài khoản tiết kiệm cho bé
Bạn có thể mở một tài khoản tiết kiệm cho trẻ và dạy chúng về lợi ích của việc tiết kiệm. Không bao giờ là quá sớm để dạy cho con bạn biết về ngân hàng. Các ngân hàng thường có các sản phẩm thú vị đặc biệt dành riêng cho trẻ em.
Để khích lệ con bạn hình thành thói quen tiết kiệm qua ngân hàng, bạn nên đưa trẻ đi cùng để mở tài khoản cho chúng. Thêm vào đó, hành động này cũng giúp phát triển nhận thức của trẻ về quyền sở hữu tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng. Một trong những cách tốt nhất để tiết kiệm tiền là nên cất chúng đi.
Vì vậy, gửi tiền vào ngân hàng được cho là phương thức giữ tiền thông minh, không những giúp cho trẻ khỏi cám dỗ chi tiêu mà còn sinh lợi với lãi suất hàng tháng từ số tiền tiết kiệm đó. Cách thức này đang được rất nhiều gia đình áp dụng để giúp bé khi lớn lên sẽ có một "khoản" kha khá để lo cho tương lai.
Dạy bé biết cách mua sắm hợp lý
Bên cạnh việc giúp bé tiết kiệm và quản lý đồng tiền, bạn có thể giúp bé biết cách chi tiêu hợp lý bằng cách dẫn bé đi siêu thị, đi chợ… Việc đi mua sắm sẽ cho bé biết được kế hoạch chi tiêu tài chính hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng của gia đình, từ đó giúp các bé biết tiết kiệm, mua những vật dụng cần thiết để tránh tiêu xài lãng phí.
Khi đến siêu thị, hãy để bé tự tìm mua một mặt hàng với giá hợp lý, chẳng hạn, mua chiếc cốc này cho ông bà, cốc này cho cha mẹ… Bạn cũng có thể dạy các bé kỹ năng chọn hàng, biết cách tính toán để mua hàng khuyến mãi tại thời điểm có lợi…
Bạn cũng nên giới hạn số lần mua các món đồ cho trẻ, chẳng hạn chỉ nên mua một món đồ chơi mới mỗi tháng. Bạn có thể giải thích và đôi khi là động viên, an ủi con tại sao bạn không thể mua cho con mọi thứ chúng muốn. Điều này sẽ giúp bé hiểu hành động của cha mẹ hơn.
Giúp bé trân trọng món đồ phải tiết kiệm mới mua được
Bạn có thể cho trẻ một số tiền nhỏ tiêu vặt hàng tuần và đây cũng là một cách tốt để dạy trẻ học cách quản lý tiền. Trẻ sẽ dần dần hiểu rằng, số tiền này sẽ dành để mua những thứ chúng thích và đôi khi phải học cách tiết kiệm tiền tiêu vặt hàng tuần hoặc hàng tháng để có thể mua được thứ chúng muốn.
Việc làm này cũng có ý nghĩa giúp trẻ trân trọng những món đồ mà chúng phải tiết kiệm tiền mới mua được.
Bên cạnh đó, bạn có thể hướng cho trẻ làm một số việc nhà như rửa chén đĩa, gấp quần áo, quét nhà… và thưởng cho trẻ một số tiền nhỏ cũng là một cách giáo dục tốt. Như vậy trẻ sẽ có thêm tiềm tiết kiệm để mua những thứ chúng thích.
Bạn cũng đừng quên hỏi chúng đã chi tiêu số tiền tiết kiệm ra sao. Yêu cầu con xuất trình "hóa đơn" mua các vật dụng, đồ chơi… và "quyết toán" xem còn lại bao nhiêu.

GiadinhToday ST

Để con ngủ ngon và sâu giấc

Giấc ngủ đối với trẻ em rất quan trọng nhưng đôi khi nó lại trở thành ác mộng đối với các ông bố bà mẹ. Dưới đây là một vài thủ thuật đơn giản giúp bé có giấc ngủ ngon.
Để con ngủ ngon và sâu giấc 1
Giấc ngủ là một phần rất quan trọng trong sự phát triển của em bé, do đó việc thấm nhuần những thói quen tốt ngay từ đầu cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Giấc ngủ ngon không chỉ giúp cho em bé mà còn giúp cho cha mẹ cũng có được giấc ngủ ngon.
Tầm quan trọng của giấc ngủ
Giấc ngủ là một yếu tố cần thiết trong khả năng của em bé để bé có thể phát triển khỏe mạnh. Trong giấc ngủ, hệ thống miễn dịch được tăng cường để ngăn ngừa bệnh và hormone tăng trưởng cũng ở mức độ cao nhất.
Khi được nghỉ ngơi một cách đúng đắn, một trẻ sơ sinh sẽ có được đầy đủ sự tỉnh táo, nhanh nhẹn khi thức. Khi bé không được ngủ đủ giấc, bé sẽ om sòm hoặc thậm chí kích động.
Nhưng đó không phải tất cả những gì các bạn nên quan tâm. Kết quả lâu dài của việc thiếu ngủ không thực sự bắt đầu xuất hiện cho đến khi trẻ em trong độ tuổi đi học. Những đêm ngủ ngắn trước khi 3 tuổi rưỡi dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị bốc đồng và hiếu động thái quá, hoạt động nhận thức không tốt khi 6 tuổi. Có một thực tế đáng sợ rằng giấc ngủ không đủ là tương quan với tỷ lệ béo phì tăng lên.
Tầm quan trọng của thói quen
Ngủ chắc chắn là rất quan trọng đối với em bé nhưng làm thế nào bạn có thể biết được là bé đã ngủ đủ hay chưa? Bạn không thể suy diễn những dấu hiệu của việc thiếu ngủ ở trẻ em. Những dấu hiệu đó khá khác nhau và phức tạp hơn nhiều. Sự phát triển của em bé bị ảnh hưởng bởi rất nhiều những thứ khác ngoài giấc ngủ.
Các biện pháp chủ động nhất bạn có thể làm đó là tạo cho trẻ thói quen ngủ tốt ngay từ ban đầu. Việc này rất quan trọng để xây dựng cho trẻ các thói quen tích cực và nhằm mục đích giúp trẻ có thể tự ru ngủ mình mà không quá cần thiết phải có sự xuất hiện của cha mẹ.
Trong thực tế, khi bé có dấu hiệu buồn ngủ, hãy đặt bé nằm xuống để bé có thể học được cách ngủ của riêng mình. Điều này thực sự giúp cho trẻ và tránh tình trạng bố mẹ lúc nào cũng phải đung đưa để dỗ dành bé vào giấc ngủ.
Bé có thể ngủ lại dễ dàng khi bỗng dưng thức giấc vào giữa đêm hay không tùy thuộc rất nhiều vào thói quen này. Một khi bé có thể hình thành thói quen tự mình dỗ dành cho giấc ngủ của mình thì việc ngủ lại nhanh chóng là điều hoàn toàn dễ dàng.
Tạo những tín hiệu của giấc ngủ cho bé
Mỗi một ngày, cơ thể thiết lập lại đồng hồ sinh học dựa trên các tín hiệu trong môi trường. Nếu các tín hiệu đồng bộ, chúng ta sẽ có giấc ngủ tốt nhất. Có một vài bước bạn có thể làm để thiết lập lại nhịp điệu giấc ngủ của bé.
Đầu tiên, kiểm soát sự tiếp xúc với ánh sáng: bộ não rất chú ý đến ánh sáng cho dù đó là ngày hay đêm xuống. Ánh sáng rất tươi sáng trong ngày (ngay cả trong giấc ngủ ngắn) và ánh sáng mờ vào ban đêm, có thể giúp em bé tạo một lịch trình ngủ.
Khi đến giờ bé phải đi ngủ, bố mẹ hãy giảm ánh sáng trong nhà, giảm tiếng ồn. Dần bé sẽ nhận thấy đây là những tín hiệu rất cụ thể cho giấc ngủ đến. Một bài hát ru nhẹ nhàng, tiếng kể chuyện nhỏ nhẹ cho bé, tất cả đều là thói quen tuyệt vời trước khi đi ngủ.

GiadinhToday - Maskonline

Mệt mỏi vì con 4 tuổi "to xác" đánh vật với cơm

Dù hạ quyết tâm nhiều lần, “kệ rồi con phải tự thay đổi” nhưng không ăn thua, nhìn con khóc thét, sút cân, "tuyệt thực"... chị đành xay nhuyễn thức ăn trước khi cho con dùng từ thịt, cháo, rau, củ quả.
Mệt mỏi vì con 4 tuổi "to xác" đánh vật với cơm 1
"Con hư tại mẹ!"
Chị Thùy Nhi (Lê Văn Tám, TP HCM) rất ngại ngùng mỗi khi chia sẻ với bạn bè về cách ăn uống của bé Thi. Mặc dù đã 4 tuổi nhưng bé vẫn ăn cháo từ bữa này sang  bữa khác, từ ngày này sang ngày khác.
Chị chia sẻ: “Từ 2 tuổi, mình đã tập cho con ăn cơm đấy chứ nhưng nào nó chịu. Cứ cho vài hạt cơm vào miệng là Thi lại nôn tồng tộc cả sữa từ bữa trước ra, xót xa vô cùng”.
Dù hạ quyết tâm nhiều lần, “kệ rồi con phải tự thay đổi” nhưng không ăn thua, nhìn con khóc thét, sút cân, "tuyệt thực"... chị đành xay nhuyễn mọi thức ăn trước khi cho con dùng từ thịt, cháo, rau, củ quả. 
Sự việc xảy ra khi 3 tuổi bé đi nhà trẻ, trong khi các bạn cùng lớp toàn “nhá” cơm thì riêng Thi thì có hẳn 3 cô "xúm vào" luyện nhai cơm nhưng bất thành. "Mỗi lần ăn là một lần đánh vật", một cô giáo ngán ngẩm chia sẻ. 

Các cô "sợ xanh mắt" gọi điện "mách": "Cứ cho bé ăn được 1 thìa, bé lại nôn thốc nôn tháo, khóc lóc loạn cả trường. Chị phải xin với cô cho cháu được ăn cháo một thời gian và nhờ các cô rèn cho con tập ăn cơm dần dần.
Nhưng sau 2 tuần cố gắng, các cô không chịu nhận vì “bé khó tính” quá, chị Thùy Nhi mới hốt hoảng quyết tâm luyện nhai cơm cho con tại nhà. Chị lên mạng chia sẻ thì thấy nhiều mẹ có những "bí kíp" rất hay để giúp con quen với việc nhai cơm.
Vậy bé ở độ tuổi nào nên tập nhai cơm?
Khi bé dưới 2 tuổi, răng mọc tương đối hoàn thiện thì bậc phụ huynh nên “chuyển hướng” từ cháo sang cơm dẻo rồi cơm thường như người lớn cho con. Việc cho ăn cháo kéo dài, ăn cơm chậm sẽ khiến bé chán ăn nhanh, suy dinh dưỡng, còi cọc.
Tuy nhiên nếu cho bé ăn quá sớm (dưới 1 tuổi, răng còn lơ thơ) cũng không tốt chút nào.
Khi các mẹ "ra tay"
Chị Ngọc Hằng (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ bí quyết luyện nhai cơm cho con mình cũng khá thú vị lại rất tình cảm.
Khi bé Xuka tròn 2 tuổi, “răng đã đầy mồm”, vợ chồng chị chọn một ngày rất đẹp trời và đưa con đi chợ cùng. Bố bế Xuka, mẹ thì vừa mua đồ vừa giải thích cho con: “Hôm nay mẹ mua cái này… để làm món này… cho con nhé, con sẽ thấy cơm  thịt gà cực ngon lại còn có vị ngọt của súp lơ nữa”…
Anh Tuấn - chồng chị chia sẻ: “Vợ chồng tôi khá cầu kỳ, từ khi đi chợ tới khi chế biến món ăn, chúng tôi luôn nói và giải thích để Xuka hào hứng và hỏi lại. Trộm vía, những miếng cơm đầu tiên của con rất nhanh gọn và ngon lành”.
Đương nhiên bé chưa thể ăn hết ngay 1 bát cơm gà mà ngày đầu bé chỉ “mút mát” vài thìa. Trong thời gian đó, có lúc Xuka tỏ ra không thích ăn cơm, ngại nhai hay ăn được ít, chị hồ hởi chia sẻ rằng: “Người lớn cũng vậy thôi, cái gì mới cũng phải cần có thời gian để quen vì thế mình không nên sốt ruột, mà mỗi hôm một chút, cho bé ăn cơm vào lúc thật đói. Thế nên chỉ sau 1 tuần, bé đã nhai cơm rau ráu".
Chị Minh Hường (Định Công, Hà Nội) cũng là một bà mẹ rất tân tiến, từ ngày mang bầu chị đã thuộc nằm lòng những “biểu hiện và mong muốn, tính cách của con trẻ” nên trộm vía bé Tít nhà chị nuôi rất dễ.
Khi Tít được 17 tháng, bé có biểu hiện chán ăn cháo, hay giơ tay xin hàng và đòi ăn hoa quả, chị quyết định chuyển luôn món cho bé sang cơm nát.
Chị cho cơm, thức ăn (thịt gà xé nhỏ, thịt băm cà chua nhỏ,…), canh vào những chiếc bát ăn cơm rất xinh, màu sắc và dạy con nhai cơm như chơi đồ chơi vậy.
Ban đầu Tít còn ngần ngại nhưng khi thấy cả nhà động viên: “Không thích thìa thì bốc Tít nhé”. Thế là cu cậu vừa chơi vừa ăn rất ngon lành.
Chị chia sẻ rằng: "Khi con bắt đầu chuyển sang ăn cơm, chị thường kết hợp thịt băm nhỏ với một chút hàng lá băm nhuyễn, xào nhỏ lửa chín tới cho thịt mềm, món này bé trộn với cơm dễ ăn, con rất thích".
Chị nói thêm rằng, với món thịt xào, chị thường kết hợp thịt với sốt cà chua… Nhiều chị em ngại cho con ăn cá, bởi sợ cá tanh gây khó chịu cho bé; nhưng thực tế thì món cá thịt rất mềm, lại chứa rất nhiều omega 3 và khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển cho con.
Anh Chiến (Quận 1, TP HCM) chia sẻ bí quyết cho bé Bí (2 tuổi) ăn cơm  đó là: “Nên cho con ăn từ ít đến nhiều, từ nát, dẻo đến bình thường, từ miếng nhỏ đến lớn”.
Anh nói rằng bậc phụ huynh cần khiến con hào hứng trước bữa ăn bằng cách hỏi ý kiến bé: “Hôm nay con muốn ăn gì?”. Anh chia sẻ: “Thêm vào đó, bà xã nhà mình nấu ăn rất khéo nên ngay từ những thìa đầu bé đã thích rồi”.
Trước các bữa ăn, anh chị không cho bé ăn hay uống sữa… Bởi điều này sẽ khiến bé không “hết mình” với bữa cơm.
Thời gian đầu, anh chị đặt chuông cứ hết 20 phút thì khẩu phần của bé coi như đã hoàn thành, không ép bé thêm dù còn thừa kha khá. Khi con không chịu ăn,  anh chị sẵn sàng cho nhịn 1 – 2 bữa, “mình chấp nhận khả năng bé sụt cân nhưng điều này sẽ khiến bé trân trọng bữa ăn của mình”.
Anh chị thường xuyên cho bé ăn cơm cùng với cả gia đình, “khi thấy không khí gia đình vui vẻ, gắn bó với nhau thì dường như bé có ‘trách nhiệm’ hơn với bữa ăn của mình”.
Thêm vào đó, bé Bí rất thích màu mè, thi thoảng anh chị áp dụng làm bento màu sắc hình siêu nhân Benten cho con, Bí thích lắm, “chắc chắn phần ăn đó bé ăn hết ngon lành”.
Tóm lại, được tập ăn đúng thời kỳ, đúng thời điểm bé sẽ hứng thú với việc ăn uống, bởi mỗi bữa ăn đều là một buổi học tập thú vị, hào hứng một khám phá mới về mùi vị, màu sắc của món ăn.
GiadinhToday - Maskonline

5 thời điểm không nên cho trẻ ăn

Ăn khi không đói có thể dẫn đến béo phì và một lối sống không lành mạnh. Nếu cho bé ăn không đúng thời điểm, bạn có thể làm hại bé.
5 thời điểm không nên cho trẻ ăn 1
Cho bé ăn uống khi ngồi bên bàn ăn vẫn là lý tưởng nhất. Ảnh: Blogspot
Trên trang Parentables, chuyên gia dinh dưỡng Jenni Grover chia sẻ 5 thời điểm sau đây không nên cho trẻ ăn.
1. Khi ngồi trên xe
Tôi đã sai lầm khi cho con gái ăn sáng ở trên xe và giờ đây bé luôn đòi ăn khi chúng tôi lái xe đi đâu đó. Điều này không chỉ gây phiền nhiễu, mà còn tiềm tàng nhiều nguy cơ cho bé. Tôi đã dạy bé thói quen xấu là ăn uống vô thức. Bé đã có thói quen ăn uống khi ngồi trên xe và giờ đây bé muốn ăn ngay cả khi không đói. Ăn uống trong xe cũng có thể nguy hiểm vì nó có thể gây nghẹn. Một số bé có thể say xe, nôn trớ, đặc biệt sau khi uống sữa hay ăn thực phẩm chua. Tất nhiên, sẽ có lúc bạn buộc phải cho bé ăn trong xe, nhưng cố gắng không tạo một thói quen từ đó. Hãy thưởng thức các bữa ăn tại bàn ăn của gia đình.
2. Khi bé thấy nhàm chán
Ăn mỗi khi buồn chán là một trong những thói quen xấu của tôi. Tôi có xu hướng ăn vặt mỗi khi không tìm thấy không cái gì hay ho để làm. Sau đó, tôi cảm thấy hối hận. Và tôi nhận ra rằng thực phẩm chỉ là một giải pháp tạm thời để ngăn sự nhàm chán. Tôi thực sự không muốn con mình đi vào vết xe đổ này. Khi  thấy nhàm chán, ta nên đọc sách, chơi game, làm các đồ thủ công và đi dạo. Điều quan trọng là đừng để bé coi thực phẩm là một cách xua đuổi sự  nhàm chán, thay vào đó, hãy tìm kiếm những hoạt động sử dụng sự sáng tạo và năng lượng của bé.
3. Khi bé buồn
Cha mẹ không muốn nhìn thấy con cái của mình buồn, tủi thân, giận dữ, khóc lóc hoặc không hài lòng vì bất kỳ lý do nào. Họ rất dễ dàng đưa kẹo hoặc các loại thức ăn khác để bé vui trở lại. Giảm bớt buồn phiền của bé bằng thức ăn chỉ khiến bé dễ dàng dùng thực phẩm để giải quyết xung đột với người lớn. Thực phẩm sẽ chỉ tạm thời chữa được vấn đề. Tốt hơn là nên thảo luận lý do tại sao bé không vui và cho phép bé thể hiện cảm xúc của mình.
4. Cho ăn như một phần thưởng
Đây là một nguyên tắc mà rất nhiều phụ huynh thích thực hiện. Trẻ em thường được khen thưởng bằng một món ăn nào đó (thường là đồ ngọt hoặc các loại thực phẩm nhiều calo rỗng) để đi bô, nhận được phiếu bé ngoan, hay giúp đỡ việc nhà. Tuy nhiên, việc thưởng cho bé bằng thức ăn có thể dẫn đến việc lặp đi lặp lại hành vi này như người lớn. Sau đó, bé có thể tự thưởng cho mình các loại thực phẩm không bổ dưỡng hoặc ăn uống thoải mái vào cuối tuần, khi hoàn thành công việc, hoặc bất kỳ lý do khác. Điều này dẫn đến ăn nhiều. Thay vì khen thưởng với thực phẩm, hãy thưởng bằng cách cho bé nhiều thời gian vui chơi hơn, nhiều thời gian ở bên bạn hơn… Tất nhiên, đôi khi bạn có thể đưa các loại đồ ngọt vào chế độ ăn thường ngày của bé để bé không quá thèm thuồng.
5. Khi bé xem tivi
Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ ăn trong khi xem tivi có thể dẫn đến việc ăn uống không lành mạnh và béo phì. Đây cũng là ăn uống vô thức trong một hoạt động cố định, từ đó sẽ tạo thói quen xấu. Truyền thống mỗi tối thứ sáu, cả gia đình ngồi ăn pizza và thưởng thức một bộ phim cùng nhau thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên, tốt cho sức khỏe nhất vẫn là ăn uống tại bàn ăn.
GiadinhToday - VnExpress

Khi con thích chê bai

Nếu trẻ thường có những bình luận khiến người khác khó chịu thì cần chấn chỉnh ngay.
Muối mặt vì con... thích chê bai 1
Lời nói bình luận mang tính mỉa mai hay nhận xét thiếu tế nhị, không đúng lúc sẽ làm tổn thương người khác. Nhất là những lời nói đó được phát ra từ cái miệng xinh xinh của trẻ.
Trong gia đình, nếu bé yêu thường có những lời bình luận “xanh rờn” khiến người khác khó chịu, thậm chí là tổn thương thì bạn cần chấn chỉnh ngay.
Trẻ vô tư vì nghĩ mình đúng
Anh Hữu Danh - bác sĩ nha khoa ở Nhơn Trạch, Đồng Nai - phải muối mặt khi nghe con gái tỉnh bơ bình phẩm chị đồng nghiệp anh mời đến thăm gia đình. Cô bé 8 tuổi mà nói như “bà cụ”: “Sao đầu tóc cô xấu và quê thế? Trông chẳng hợp với dáng người của cô chút nào”. Tiếng nói lanh lảnh của con bé khiến mọi người trong bàn ăn chỉ biết nhìn nhau ngậm ngùi. Chị đồng nghiệp ngượng ngùng không biết trả lời sao trước câu hỏi của con bé.
Còn chị Quỳnh Chi - nhân viên ngân hàng ở Long Khánh, Đồng Nai - than thở: “Con trai tôi mới 9 tuổi mà thường ăn nói, nhận xét người khác những câu chẳng tế nhị chút nào. Hôm chủ nhật rồi tôi đưa cháu sang nhà ông nội dự tiệc. Bà nội đon đả vì lâu ngày mới gặp cháu trai, vậy mà ai nấy đều hẫng hụt khi nghe thằng bé nói: Cháu qua nhà nội chỉ để chơi thôi chứ cháu chẳng ăn gì đâu. Lần nào chả thế, món bà nấu mặn chát à. Cháu đã bảo mẹ thủ sẵn đồ ăn nhanh, phòng khi cháu đói. Lúc đó, tôi ước gì có khe hở nào để chui vào đó cho đỡ xấu hổ!”.
Trước những lời bình phẩm hồn nhiên của trẻ, người lớn không khỏi bị choáng vì không hiểu được bé học đâu cách nói năng khó nghe thế, nhưng đừng vội vàng trách móc trẻ. Thật ra, trẻ không chủ định nói ra những lời làm đau lòng người khác mà đó chỉ là những lời nói chân thật xuất phát từ thói quen nghĩ gì nói nấy của trẻ. Lời đánh giá có thể rất khó nghe nhưng thường đúng sự thật - phản ánh khả năng nhận thức về thẩm mỹ của trẻ. Do đó, cha mẹ không nên nóng nảy, tỏ thái độ giận dữ đối với trẻ, mà cần bình tĩnh dạy con ăn nói tế nhị để không làm tổn thương người khác, dạy cho con biết cách thể hiện suy nghĩ, phê bình khéo léo để người khác chấp nhận và tiếp thu.
Phòng cháy hơn chữa cháy
Các bậc phụ huynh đừng chờ đến khi trẻ đưa ra những lời bình xét, đánh giá bằng những lời “xanh rờn” khó nghe mới uốn nắn con. Thay vào đó, cha mẹ cần xây dựng cho con kỹ năng giao tiếp cần thiết bằng cách lồng ghép những câu chuyện hằng ngày để giải thích những điều liên quan đến việc nhận xét, bình luận người khác cho con hiểu.
Việc nên làm là trang bị cho con trẻ vốn từ kha khá và hướng dẫn con biết cách chọn lọc từ ngữ để phát ngôn bằng cách nói giảm, nói tránh, cũng như tận dụng mọi tình huống cụ thể của cuộc sống để chỉ cho con hiểu đâu là lời nói mang tính chỉ trích, đâu là lời nói tế nhị, dễ thương. Chẳng hạn, thay vì nói “Chị Hà mặc chiếc áo màu tím sao mà khó nhìn thế (chắc chắn sẽ khiến chị Hà rất phật lòng và khó chịu), thì con có thể nói nếu như chị Hà mặc chiếc áo màu hồng sẽ đẹp hơn biết mấy, có khi thấy trẻ ra mấy tuổi”.
Song quan trọng hơn nếu muốn con trẻ biết đưa ra những nhận xét khéo léo, đúng thời điểm, bạn phải mẫu mực về sự tế nhị. Bạn đừng bình phẩm, nhận xét người khác trước mặt bé bằng những lời lẽ châm chọc, mỉa mai do trẻ thường thần tượng và bắt chước cha mẹ từ lời nói đến việc làm. Để dạy trẻ tế nhị, cha mẹ cần tế nhị khi nhắc nhở, giáo dục trẻ trong việc nói năng, nhận xét người khác. Ngoài ra, bạn đừng phủ nhận khi nghe con nhận xét ai đó, ngược lại chỉ cho trẻ biết rằng: “Con nhận xét ai đó chân thật là tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu con thể hiện khéo léo để không làm tổn thương họ”.
Bạn có thể nhắc con nhớ về nỗi buồn con đã trải qua khi con là đối tượng bị bình phẩm một cách thiếu tế nhị, điều này giúp con hiểu bất cứ ai cũng thấy khó chịu, thậm chí tức giận khi bị người khác dè bỉu, nhận xét một cách sỗ sàng.
Lắng nghe bé bày tỏ thái độ của mình và chỉ cho bé thấy “không chỉ có mình cảm thấy xấu hổ và tức tối khi bị người khác chê bai, mà người khác cũng thế”. Và không phải cứ thấy điều gì không vừa ý mình là lên tiếng phàn nàn, góp ý mà cần chọn cách diễn đạt khéo léo, dễ nghe để người khác chấp thuận.
GiadinhToday - Tuổi trẻ

Làm gì khi con sợ bóng tối

Nỗi sợ là một trong những vấn đề rất tự nhiên của các bé và đó chính là dấu hiệu cho thấy bé đang nhận biết về thế giới xung quanh mình.
Con sợ bóng tối, mẹ đã có cách! 1
Con rúm ró sợ bóng tối
Thấy nhiều mẹ khen con mình không sợ bóng tối, kể cả trong phòng tối om, bé vẫn chạy lăng xăng, chị Thu Ngân (Đống Đa, Hà Nội) chạnh lòng khi nghĩ về thằng Bin 4 tuổi nhà mình.
Chỗ lạ thì không nói làm gì nhưng ngay cả trong chính nhà mình mà Bin vẫn có thể “khóc nức nở” nếu một đêm bừng tỉnh trong bóng tối.
Từ bé Bin đã đòi bật đèn tưng bừng khi ngủ, vợ chồng chị thi thoảng đợi con ngủ say rồi tắt nhưng nếu có đêm nào “bạn ý mà dậy thấy tối là cả nhà tha hồ được nghe tiếng bạn ý cáu rồi khóc ngằn ngặt”.
Khi nhìn thấy bóng một cái gì đó hoặc tiếng động lạ phát ra từ một phòng tối, Bin đều rúm ró, sợ hãi. Thậm chí, con thú bông mà bé vẫn ôm hàng ngày cũng trở thành một con vật đáng sợ với hình thù gớm ghiếc trong trí tưởng tượng của con.
Thế nên mấy năm nay, phòng ngủ của anh chị lúc nào cũng sáng tưng bừng vì sở thích thói quen của con. "Trước còn không ngủ được nhưng sau thì đành quen, còn hơn việc một chốc lại tắt rồi bật", chị chia sẻ. 

Nỗi sợ là một trong những vấn đề rất tự nhiên của các bé và đó chính là dấu hiệu cho thấy bé đang nhận biết về thế giới xung quanh. Đặc biệt những bé còn nhỏ do chưa hiểu hết được những gì tồn tại xung quanh, bé không nhìn thấy rõ mọi vật thế nên bé sợ.
Để bé không sợ bóng tối, rất nhiều chị em chia sẻ bí quyết hữu ích của mình.
Để bé tự tin trước bóng tối
Chị Châu Anh (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ, hầu hết trẻ nhỏ đều không tự tin khi ở trong bóng tối một mình. Việc bé Sudi  nhà chị sợ có thể do nhiều nguyên nhân: tự tưởng tượng, xem tivi, ông bà dọa…
Trước, Sudi (2 tuổi) rất hay khóc khi bỗng dưng mất điện, nhà tối om, thậm chí bé không dám vào nhà vệ sinh một mình, toàn bắt bố mẹ đứng… canh ở ngoài. Rồi thấy những “triệu chứng” càng ngày càng nặng, con ngày càng nhát thì chị lo lắng thật sự và lên một kế hoạch để giúp con giải tỏa sự sợ hãi.
Một lần "lạc nhầm" vào một Facebook của một bà mẹ Tây, chị tham khảo thấy có nhiều bí quyết giúp con dạn dĩ hơn trong bóng tối, áp dụng chị thấy bé Sudi có thay đổi thật.
Chị hỏi bé sợ điều gì, thử kể rồi vẽ cho mẹ xem điều khiến bé sợ. Sau một hồi suy nghĩ, bé vẽ hình một con quái vật với hàm răng nhọn hoắt.
“Sau đó mình vẽ thêm một cái đuôi béo ú có gắn bông hoa và một nụ cười tươi trên khuôn mặt con quái vật đó, mình vẽ xong con còn cười ha hả vì ‘sao mẹ vẽ nó buồn cười thế’, dường như điều này đã khiến bé trấn át nỗi sợ phần nào. Hình ảnh gớm ghiếc đã được thay bằng một con quái vật dễ thương”, chị nói.
  
Hàng ngày, vào đúng một khung giờ nhất định trước khi con lên giường đi ngủ, vợ chồng chị cùng con thu dọn đồ chơi và cả nhà cùng đi ngủ, trước đó chị hay kể cho bé nghe những câu chuyện thiếu nhi. Những thói quen này khiến giấc ngủ con được sâu và ngon hơn.
Chị chia sẻ thêm rằng, tuyệt đối không nên “phẩy tay”, bĩu môi hay “cười chê” nỗi sợ hãi của con, điều này không giúp con mạnh dạn hơn mà chỉ khiến con càng thêm sợ hơn.
Thay vào câu nói: “Hâm à, ma mãnh cái của nợ” thì bố mẹ nên dắt tay con “thâm nhập vào vùng sợ hãi” bằng cách chỉ vào từng đồ: “Đây là con gấu bông của con này”, “Kia là con mèo, chẳng có gì đáng sợ phải không nào”.
Anh Thanh Tùng (Đường Bưởi, Hà Nội) chia sẻ rằng trước bé Mai nhà anh rất nhát, anh đã từng phủ nhận rất gay gắt việc xuất hiện của ma quỷ và trấn an bé những điều như: “Đừng lo con. Làm gì có ma quỷ trên đời này”. Hoặc nói với con rằng: “Bố đuổi nó đi ra ngoài rồi, ngủ ngoan thì nó mới không đến”… anh tự nhận thấy đó không phải là cách giải thích khôn ngoan.
Bởi bản thân anh ngay từ bé đã tin sái cổ việc có ma quỷ rồi bóng tối đáng sợ thế này thế khác nữa là trẻ con thời đại này. Anh nhận ra rằng, lo sợ luôn là một phần trong cuộc sống của mỗi người và đặc biệt là con trẻ.
Anh biết con sợ bóng tối bởi ông bà nội hay dọa để bắt con ngủ và những con ma đó, con quái vật kia đã hình thành trong trí tưởng tượng của con như thế.
Anh chia sẻ: “Điều quan trọng nhất đó là bố mẹ nên học cách làm bạn với con, gần gũi để hiểu được con nghĩ gì, con lo lắng điều gì…”.
Anh kể có lúc cả nhà giật mình vì tiếng hét thất thanh của con ở phòng bên, biết con sợ nên vợ chồng anh không chút cáu giận mà lắng nghe tâm sự của con về nỗi sợ của mình trong bóng tối.
“Khi bố mẹ lắng nghe con nói, cho con một cảm giác an toàn thì dần dần con sẽ biết tự đối mặt với nỗi sợ một mình. Tôi không bao giờ cho con xem phim kinh dị và đọc truyện ma mãnh cho con nghe”, anh nói.
GiadinhToday - Maskonline